Chiến đấu cơ tàng hình X-2 của Nhật. Ảnh: Reuters |
Ngày 22/4, Bộ Quốc phòng Nhật thông báo chiến đấu cơ tàng hình X-2 do hãng Mitsubishi Heavy Industries (MHI) thiết kế đã có chuyến bay thử thành công đầu tiên, đánh dấu việc nước này gia nhập nhóm bộ tứ sở hữu máy bay tàng hình thế hệ 5 gồm có Mỹ, Nga, Trung Quốc, theo AFP.
X-2 Shinshin do Mitsubishi Heavy Industries phát triển, dài 14,2 m, rộng 9,1 m, được coi là máy bay kế nhiệm của chiến đấu cơ F-2, phát triển chung với Mỹ.
Theo chuyên gia phân tích quân sự Tyler Rogoway của trang FoxtrotAlpha, hình dáng của chiếc chiến đấu cơ X-2 rất giống phiên bản huấn luyện của máy bay tàng hình F-22 Raptor của Mỹ, loại máy bay mà từ lâu Nhật đã rất muốn mua.
Tuy nhiên, luật của Mỹ quy định F-22 là loại máy bay sở hữu những công nghệ tối mật, không dành để xuất khẩu, nên yêu cầu của phía Nhật đã bị Mỹ từ chối. Vì vậy, trong gần một thập kỷ qua, Nhật đã nỗ lực phát triển chiếc chiến đấu cơ tàng hình của riêng mình, và cho ra đời X-2.
Tiêm kích X-2 được trang bị nhiều đặc điểm thiết kế và tính năng hiện đại của một chiếc máy bay tàng hình tối tân, có thể né được các loại radar sóng X, C và Ku. Phần mũi hình chóp nhọn, hai cánh đuôi nghiêng ra ngoài, giúp máy bay có hình dáng thuôn mượt, hài hòa. Các cửa hút gió cũng được thiết kế để bảo vệ phần động cơ phản lực thường dễ bị lộ trước radar đối phương.
Ngoài khả năng tàng hình và cơ động linh hoạt, chiếc máy bay này sở hữu một loạt công nghệ mới, trong đó có radar mảng pha điện tử chủ động (AESA) thế hệ mới, có chức năng tấn công điện tử, liên lạc ở dải tần cao và trinh sát thụ động đối với dải tần số vô tuyến.
X-2 cũng sẽ được trang bị hệ thống điều khiển điện tử sợi quang (FCS) thông minh, có khả năng chống cự rất tốt với các cuộc tấn công gây nhiễu điện tử. Hệ thống này đặc biệt phát huy tác dụng hỗ trợ phi công trong trường hợp máy bay bị bắn hỏng, bởi nó có liên kết rất chặt chẽ với hệ thống đẩy vector đa chiều của động cơ.
Đối phó Trung Quốc
Các chuyên gia của Viện quan hệ quốc tế Pháp (IFRI) nhận định việc phát triển tiêm kích tàng hình thế hệ 5 hoàn toàn phù hợp với học thuyết quân sự mới điều chỉnh của Nhật theo hướng nới lỏng khả năng và phạm vi tác chiến cho các lực lượng vũ trang. Theo đó, lực lượng phòng vệ Nhật có thể hành động ở nước ngoài trong trường hợp an ninh của Nhật hoặc đồng minh bị đe dọa.
Bên cạnh đó, động thái này cũng được đánh giá là bước đi chiến lược hợp lý của Tokyo trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực. Jonathan Jay Mourtont, chuyên gia về Nhật của IFRI nhận định rằng việc Nhật phát triển loại máy bay tiêm kích thế hệ 5 X-2 nằm trong chiến lược dài hơi đối phó với sự bành trướng quân sự của Trung Quốc trong khu vực, đặc biển trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Không quân Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra chiếm ưu thế về số lượng chiến đấu cơ, đặc biệt là các loại thiết bị không người lái. Theo số liệu của IFRI, Trung Quốc đã lên kế hoạch đầu tư 10,5 tỷ USD nhằm nghiên cứu và sản xuất 42.000 thiết bị bay quân sự không người lái (UAV) giai đoạn 2014-2023.
Năm 2015 Bắc Kinh đã bắt đầu đưa các mẫu UAV tự chế tạo với độ cao trung bình (MALE) và độ cao lớn (HALE) vào các cuộc diễn tập quân sự trên biển.
Từ tháng 4 đến tháng 12/2014, các chiến đấu cơ của Nhật đã phải tiến hành 744 cuộc đánh chặn đối với các máy bay có người lái cũng như các UAV Trung Quốc xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm không phận của nước này.
Trong khi đó, sức mạnh của Lực lượng phòng vệ trên không của Nhật hiện nay chỉ dựa trên 190 tiêm kích đánh chặn F-15J được phát triển từ những năm 1980, đã "già cỗi" và có sức chiến đấu kém so với các chiến đấu cơ hàng đầu của Trung Quốc.
Các chuyên gia quân sự Nhật hy vọng X-2 sẽ là phương tiện răn đe hữu hiệu đối với các hoạt động xâm phạm không phận và trở tành đối trọng với các chiến đấu cơ tàng hình J-20 của Bắc Kinh trong trường hợp xảy ra xung đột xung quanh quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Nguyễn Hoàng