Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

trieu-tien-thu-hat-nhan-co-the-vi-muon-dam-phan-voi-my

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới thăm một đơn vị tên lửa. Ảnh: KCNA

Vụ thử tên lửa tuần trước và những lời đe dọa của Bình Nhưỡng nhằm vào Seoul và Washington những ngày qua có thể là cách phản ứng của nước này sau khi bị từ chối đàm phán, thành viên người Nhật của IAEA, Nobumasa Akiyama, hôm nay nói với Sputnik.

Một nguồn tin giấu tên từ Bộ Ngoại giao Nga cũng xác nhận thông tin này. "Mặc dù Triều Tiên ngày càng leo thang trong những thông điệp chống lại Mỹ, nhưng tôi cho rằng đây là tín hiệu cho thấy họ vẫn muốn một cuộc đối thoại với người Mỹ", Akiyama cho biết.

Theo Akiyama, dấu hiệu muốn nối lại đàm phán này của Triều Tiên có thể là thật, nhưng vấn đề hiện nay là khi nào các bên sẽ ngồi vào bàn đàm phán. Triều Tiên rút khỏi các cuộc đàm phán 6 bên về chương trình vũ khí hạt nhân của nước này vào năm 2009.

Về phía IAEA, việc khó khăn nhất hiện nay là làm sao chấp nhận một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, trong khi chắc chắn Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ loại vũ khí hủy diệt này.

Từ đầu năm 2016, Triều Tiên thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần thứ tư, sau đó là hàng loạt vụ phóng tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tên lửa đạn đạo tầm xa. Hành động này của Triều Tiên khiến Liên Hợp Quốc áp đặt lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất trong lịch sử.

Toàn bộ hàng hóa tới và rời Triều Tiên sẽ bị thanh sát. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng áp lệnh cấm vận vũ khí để ngăn chặn nhà cung cấp vũ khí loại nhỏ giao dịch với Bình Nhưỡng.

Ngoài ra, Triều Tiên còn bị cấm xuất khẩu than, quặng, vàng, ti-tan và đất hiếm. Các quốc gia khác cũng không được cung cấp cho Triều Tiên nhiên liệu dùng trong ngành hàng không.

Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA mới đây cảnh báo nước này có thể phải đối mặt với nạn đói khiến hàng triệu người chết vì các lệnh cấm vận, đồng thời kêu gọi người dân làm thêm giờ và tăng năng suất trong mọi lĩnh vực để tỏ lòng trung thành với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Văn Việt

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật trong tuần

Đối tác