Tướng Philip Breedlove. Ảnh: Reuters. |
Một lực lượng đa quốc gia của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang sử dụng 8 phi cơ tuần tra bầu trời ba quốc gia Baltic gồm Estonia, Latvia và Litva. Chính sách trên không này ban đầu có 4 phi cơ và được bổ sung thêm sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
"Tôi nghĩ liên minh cần sẵn sàng cho nhiệm vụ phòng không và tất nhiên chúng tôi đang xem xét khả năng này", Reuters dẫn lời Philip Breedlove, chỉ huy quân sự NATO, hôm nay phát biểu với báo giới tại Vilnius, thủ đô Litva. "Chính sách trên không và phòng không là dành cho hai tình huống khác nhau. Chính sách trên không là nhiệm vụ thời bình".
Một lực lượng khoảng 600 lính Mỹ đã có mặt tại các quốc gia Baltic và Ba Lan từ tháng 4/2014. Các nước đồng minh NATO khác luân phiên nhau đóng góp lực lượng bổ sung.
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong bài phát biểu tại Estonia năm 2014 nói NATO sẽ giúp đảm bảo sự độc lập của ba nước Baltic. Ba nước Baltic, đều gia nhập NATO và Liên minh châu Âu, đề nghị NATO điều động lực lượng quy mô tiểu đoàn thường trực trên lãnh thổ mỗi nước. Một tiểu đoàn NATO thường bao gồm từ 300 đến 800 binh sĩ.
"Chúng tôi không còn muốn lực lượng đa quốc gia hiện diện chỉ như biện pháp trấn an hoặc vì tầm nhìn chính trị. Chúng tôi muốn có các lực lượng răn đe, hiểu rõ họ sẽ tham chiến trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công thông thường", Bộ trưởng Quốc phòng Litva Jonas Zukas nói.
Theo ông Zukas, phòng không đang là vấn đề thực sự bởi rõ ràng "trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự thì chỉ 4 hoặc 8 phi cơ vẫn chưa đủ".
Nga phủ nhận có ý định tấn công các quốc gia Baltic, khẳng định việc nước này sáp nhập bán đảo Crimea là hợp pháp. Moscow cũng bác cáo buộc đang vũ trang cho phe ly khai ở miền đông Ukraine.
Vị trí ba quốc gia Baltic. Đồ họa: World Atlas. |
Như Tâm